Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

CÁC BÀI VĂN LẠC ĐỀ

Phát hoảng" với những bài văn tốt nghiệp "kinh dị"
Cập nhật 04:13:28 - 27/06/2011
Nhiều giáo viên chấm thi phát hoảng khi đọc những bài văn của các sĩ tử trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) 2010 - 2011. Thí sinh “sáng tác” ra những câu văn mà giáo viên chấm thi đọc xong phải nổi da gà.
Còn những cách miêu tả mà các tác giả của tác phẩm được chọn để làm đề thi tốt nghiệp có lẽ không bao giờ ngờ tới được.
Cười ra nước mắt
Theo cô N.H giáo viên môn Văn, trường THPT Minh Khai (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: "Tôi cũng đã đi chấm thi tốt nghiệp rất nhiều năm. Mỗi kỳ thi để lại cho tôi ấn tượng về những bài văn rất lạ. Năm nay cũng vậy, tôi trực tiếp chấm nhiều bài văn khi đọc lên mà không nhịn được cười khiến cho các đồng nghiệp của tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi chấm điểm môn văn, những giáo viên chấm thi như chúng tôi lại được những trận cười ra nước mắt". Giáo viên H. trích dẫn: “Trong câu 3b của đề thi tốt nghiệp THPT năm nay đề bài là "Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân". Tôi đọc nhiều bài thi cùng đề bài về phân tích nhân vật Tràng, tuy nhiên có trường hợp, học sinh phân tích ngoại hình của nhân vật vợ nhặt của Tràng đến gần 2 trang giấy mà "tụ hội" tất cả những gì xấu xa nhất.Tôi nhớ câu: "Quần áo của cô gái này rách tả tơi như tổ đỉa, thân hình gầy còm, ốm yếu đến mức chỉ có da bọc xương. Khuôn mặt thị gầy xọp như hình lưỡi cày. Nhìn cô, chúng ta chỉ có thể thấy được hai con mắt. Dáng người, "vẻ đẹp" của thị (nhân vật người vợ - pv) cũng tương đương "vẻ đẹp" của vợ Chí Phèo (nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao - PV)". Sau đó học sinh thản nhiên kết luận: "Có lẽ thị là hình tượng của một con "ma đói" năm 1945". Đây là một câu văn tôi cảm thấy rất "ấn tượng", đọc đi đọc lại vẫn cảm thấy buồn cười”.Giáo viên H. cũng cho biết thêm, năm nay câu 3a thuộc phần II (phần riêng - phần tự chọn) hệ số điểm là 5 điểm, đề bài yêu cầu thí sinh phân tích đoạn thơ từ câu: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi" đến câu: "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Đây là đoạn trích trong bài thơ Tây Tiến của tác giả Quang Dũng. Khi làm bài, các thí sinh thi nhau tán về vẻ đẹp của đoàn quân Tây Tiến. Có thí sinh bình câu thơ: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm" như sau: " Có lẽ giữa trời hè nóng nực, cộng với khói lửa chiến tranh các chiến binh Tây Tiến đã quyết định "gọt" trọc để thoải mái thoáng mát hơn và tiện cho việc vệ sinh"(!?).Còn cô N.T.K, giáo viên văn của một trường cấp III Minh Khai (Quốc Oai) cho hay: "Tôi nhớ như in trong bài thi của một thí sinh bình về câu thơ: "Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Thí sinh này nhầm tưởng địa danh Mai Châu thành tên của một cô gái nào đó sinh sống ở địa bàn mà các chiến binh Tây Tiến đóng quân. Thí sinh này bình: "Có lẽ dù chiến tranh có đi qua, các chiến binh Tây Tiến trở lại làng quê cũ nhưng hình ảnh cô em gái Mai Châu ngày đêm tảo tần nấu món xôi nếp cho họ ăn sẽ không bao giờ phai trong lòng các anh bộ đội". Khi đọc đến đây, tôi thật sự cảm thấy choáng, không dám tin vào mắt mình nữa".
Vì đâu đến nỗi
Theo đánh giá của các giáo viên chấm thi tốt nghiệp THPT thì việc có nhiều bài thi có những câu văn dở khóc dở cười có rất nhiều nguyên nhân. Theo cô T. D, giáo viên dạy văn trường THPT Vân Tảo (Thường Tín, Hà Nội) thì việc các thí sinh sáng tác những câu văn... lạ, thường là những thí sinh không có kiến thức cơ bản về môn văn. Có thể trong quá trình làm bài thi, những thí sinh này bất chợt nhớ đến một nhân vật nào đó gần giống như nhân vật trong đề bài thì lập tức chép vào ngay. Giáo viên N.H (trường THPT Minh Khai, Quốc Oai) nhận xét: "Nhiều sĩ tử mặc dù đã cạn... văn nhưng vì "câu giấy" nên bịa ra những câu chuyện. Vì các thí sinh này có quan niệm văn càng dài thì điểm càng cao (!?). Tuy nhiên, tất cả cấu trúc điểm đã có sẵn barem chấm thi. Đúng ý, chúng tôi mới có thể cho điểm chứ hoàn toàn không có chuyện chấm điểm theo số lượng trang giấy như nhiều thí sinh lầm tưởng”, cô H. khẳng định.Theo lý giải của các giáo viên chấm thi, một nguyên nhân khác dẫn đến việc xuất hiện nhiều câu văn kinh dị trong đợt thi tốt nghiệp THPT lần này là do chuyện học lệch của các thí sinh. Có nghĩa là, nhiều học sinh có ý định thi đại học khối A, B (các môn toán, lý, hoá, sinh) thì chỉ muốn môn văn thoát khỏi điểm liệt còn lấy các môn khác bù điểm vào. Chính vì thế, việc cầm cuốn sách văn để ôn cũng chỉ là bất đắc dĩ, học kiểu chống đối, học vẹt được mấy câu rồi vào phòng thi bịa theo tâm lý “nhỡ đâu lại trúng”. Thế mới có chuyện, anh Tràng vạ vật trong nạn đói năm 1945, thời kỳ chống Pháp lại được “bê” đi chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên vào những năm 70 (?!). Đúng là “miễn bình luận”.
Nhầm lẫn khó tin nhưng giáo viên không thể trừ điểm
Cô giáo D., trường THPT Vân Tảo, Thường Tín (Hà Nội) cho biết, có bài thi "râu ông nọ cắm cằm bà kia", nhầm nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân sang nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Bỗng nhiên nhân vật "anh cu Tràng" lại được tham gia kháng chiến chống Mỹ ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, đối với những bài thi như thế này, khi chấm, chúng tôi không được phép trừ điểm vì trong đáp án của Bộ Giáo dục và đào tạo không có quy chế về việc trừ điểm đối với những bài thi viết nhầm hoặc sai.
Thực hiện: / Nguồn: Nguoiduatin
* Cô Nguyễn Kim Anh
(giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):
Môn văn: lấy điểm ở những câu dễ
Theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, đề thi văn thường có ba câu. Câu 1 yêu cầu tái hiện kiến thức. Trong nhiều năm qua, đây đều là câu kiểm tra khả năng ghi nhớ về lai lịch tác giả, hoàn cảnh sáng tác. Học sinh chỉ cần nhớ chính xác và viết ngắn gọn, đủ ý. Có năm, câu này được đổi mới cách hỏi hay hơn, nhưng những học sinh chỉ biết ghi nhớ máy móc, học vẹt đã bị lúng túng. Vì vậy các em cần bình tĩnh, đọc kỹ để hiểu yêu cầu của đề thi.
Câu 2 thuộc thể loại nghị luận xã hội. Cái dễ của câu này là học sinh không cần học thuộc lòng kiến thức trong sách giáo khoa, trong bài học ở lớp cũng có thể làm được, vì đây là câu hỏi mở. Tuy nhiên, học sinh phải nắm vững kỹ năng viết văn nghị luận xã hội. Thường đề thi sẽ đưa ra một nhận định, yêu cầu học sinh phải bình luận hoặc lý giải nhận định đó bằng sự hiểu biết của mình cùng những dẫn chứng thực tế sinh động mà các em biết.
Hai câu trên có thể coi là các câu để “gỡ điểm” của học sinh. Phần khó nhất sẽ tập trung ở câu hỏi cảm thụ tác phẩm văn học. Trong chương trình có 15 tác phẩm văn học mà học sinh cần ghi nhớ, bao gồm chín tác phẩm văn xuôi, sáu tác phẩm thơ. Thường đề thi yêu cầu chọn một trong hai phần. Trong đó sẽ có một câu hỏi về tác phẩm thơ, một câu hỏi về tác phẩm văn xuôi. Nếu yêu thích và “thuận tay” ở thể loại nào, các em nên xác định trước.
Khi làm bài, các em cần lưu ý việc phân bổ thời gian hợp lý vì viết văn dễ bị sa đà. Nếu viết quá lan man, mất thời gian ở một câu hỏi, các em sẽ không còn thời gian làm câu khác. Nếu chật vật quá với một câu, các em sẽ bị mất hứng để làm những câu khác. Kinh nghiệm cho thấy các em nên làm trước những câu mình nắm chắc và có hứng thú.
·        Thầy Nguyễn Xuân Quý
(giáo viên vật lý Trường THPT Việt Đức, Hà Nội):
Một bài văn lạc đề đáng giá
Tại kỳ thi học sinh giỏi các lớp không chuyên của Hà Nội, tổ chức giữa tháng 3, có một bài văn "lạ" của một học sinh lớp 11. Em đã thẳng thắn bày tỏ chính kiến rằng mình không thích tác phẩm đó. Đồng thời nêu lên nhiều nhận xét rất thẳng thắn về cách dạy và học văn trong nhà trường hiện nay.
"... Đề bài thi HS giỏi năm nay là giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", nhưng thực sự em không hề thích tác phẩm này, như vậy em có thể viết hay được không? Em có thể chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em, có tới 9 người cũng không thích tác phẩm này. Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế, khi mà thực sự là bọn em đang sống trong thời bình. Bọn em không quay lưng với lịch sử, nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc hơn là phải học những bài tế khô khan, khó hiểu như thế này...
Em không thích tác phẩm này vì nó quá cứng nhắc, khó hiểu. Em đọc xong mà không hề có một chút xúc động hay xót thương, như vậy là lỗi tại em hay tại nhà văn không truyền tải được đến người đọc?... Chúng em và các cô - tức là những người ra đề - là hai thế hệ rất khác nhau; các cô không hiểu chúng em thì trái lại, chúng em cũng không hiểu những tác phẩm viết về cái thời các cô cũng chỉ bé như bọn em bây giờ...Em nghĩ, đứng trước một tác phẩm văn học, bao giờ cũng có những ý kiến trái ngược khen - chê, hay - dở, nhưng dường như HS bọn em chỉ có quyền thích



, chỉ có quyền khen hay, mà không có quyền nói lên chính kiến của mình, và việc phê bình văn học, hình như chỉ là việc của các nhà phê bình. Phải chăng vì tư tưởng bảo thủ này mà suốt 63 năm qua, văn thơ của chúng ta chưa được "mới"? Nhìn ra, chỉ ra cái hay của một tác phẩm văn học đã khó, nhưng chỉ ra cái hạn chế, thiếu sót của tác phẩm ấy còn khó hơn nữa, vậy mà chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một bài thi cả, tất cả chỉ vì áp lực điểm số.Em biết bài viết này của em là hoàn toàn lạc đề, em không chỉ ra được cái đẹp, cái hay của tác phẩm bởi em không thấy nó hay, không thấy nó đẹp. Em cũng biết bài văn này cũng không được điểm nào, nhưng em chỉ muốn nêu lên chính kiến của mình trước tác phẩm, cũng như những bức xúc của một học sinh, khi phải học một chương trình không phù hợp. Em không muốn phải viết những lời khen sáo rỗng về một tác phẩm mình không thích. Và em hy vọng các thày cô sẽ linh hoạt hơn trong việc ra đề để bọn em tự do bày tỏ chính kiến, tự do yêu ghét một tác phẩm nào đó".
Bài văn đã được nhiều học sinh và thày cô giáo chuyền tay nhau đọc, bình luận. Rất nhiều học sinh tán đồng với ý kiến này. Còn các thày cô giáo thì dè dặt hơn. Có người bảo rằng phải cho 20 điểm mới xứng đáng, có người khẳng định bài văn chỉ đáng điểm 0. Còn thực tế, người chấm đã cho bài văn này 3/15 điểm với lý do: Viết lạc đề.
Một phụ huynh cho biết tuần trước, con trai ông - đang học lớp 5 tiểu học - có bài tập làm văn về nhà "Tả bà em". Cháu viết một bài dài hai trang giấy, nào là "bà em rất vui tính, rất khoẻ mạnh, rất yêu lao động... Người bà cao, dáng bà bước đi khoẻ mạnh, nước da bà hồng hào... ". Đọc bài văn, vị phụ huynh ngạc nhiên và bảo con: "Đúng là bà con ngày xưa khỏe mạnh, vui tính, hồng hào thật... Nhưng bây giờ đâu có như thế nữa. Bà bị ốm, nằm viện đã mấy tháng nay, người gầy lắm, chẳng làm việc gì được... Tuần nào con cũng vào thăm bà mấy lần, con thương bà, sao con không thử tả bà như hàng ngày con vẫn gặp. Bà đau như thế nào, bàn tay bà gầy ra sao...". Nhưng cháu trả lời không thể làm như thế được, vì đã có... mẫu rồi.
Rồi cháu giở cho xem quyển sách "Những bài văn mẫu", bài nào bài nấy giống hệt nhau, cứ tả người là phải tả từ xa tới gần, từ trên xuống dưới, rồi tính tình, công việc, cuối cùng là cảm nghĩ. Cháu bảo cả lớp ai cũng chép từ quyển sách này. Chỉ có chép thì mới được điểm cao. Vị phụ huynh thử cố thuyết phục cháu đừng làm vậy, nhưng cháu không dám nghe theo vì sợ bị điểm xấu...
Có câu chuyện về một đề văn tả "Ngôi trường của em". Học sinh nào cũng tả "trường em ngói đỏ, vôi hồng..." (mặc dù thời đó, đất nước ta có chiến tranh, còn nghèo, các ngôi trường đa số là nhà tranh, vách đất chứ không khang trang "ngói đỏ, vôi hồng..."). Và với lối tả đúng mẫu như vậy, học sinh đều nhận điểm 9, 10. Duy nhất có một học sinh "không biết sợ" lại tả đúng thực tế rằng "trường em rất nghèo, cửa kính vỡ hết, nhưng em vẫn rất yêu quý trường em...". Nhiều năm sau, khi gặp lại trò cũ, người thày năm xưa mới ngậm ngùi ân hận lẽ ra không nên cho em học trò đó điểm kém vì một bài văn đầy tình cảm chân thật xúc động.

1 nhận xét: