Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

TRANG THƠ CỦA TÔI



NẮNG CHIỀU
-------------
Mêng mang chiều nắng gọi
Bóng ngã chiều em đi
Áo dài bay phất phới
Nào ai nghĩ điều chi

Nhìn giọt nắng ngoài hiên
Môi không nói thành lời
Nghiên chiếc nón bài thơ
Nắng chiều in khoé mắt

Từng hạt nắng vàng ươm
Ngọt ngào và dịu mát
Con chuồn chuồn múa hát
Rung chuyển trên chồi non
              (Đăng trên báo Văn Nghệ Đồng Tháp số 4, ngày 20/4/2004)

CÒN ĐÂU NỮA...
.......................................

Còn đâu nữa khi ta đà lớn tuổi
Thuở thơ ta tràn ngập tiếng cười vui
Khi mới sinh cho đến tuổi hai mươi
Bao kỉ niệm êm đềm và thơ mộng.

Còn đâu nữa buổi trưa hè rượt đuổi
Bầy chuột đồng ríu rít nối đuôi nhau
Đàn chó săn
quần nát
đám cỏ lau
Vờn cho chúng toát hồn khiếp vía.

Còn đâu nữa
những đám bạn xum vầy
Cùng la hét với trò chơi đá bóng
Đứa vào ra bởi
trưa hè nắng nóng
Trận cầu tan vẻ mặt ửng hồng hào.

Còn đâu nữa
    Với kẻ núp trước  rào
Rình trộm Ổi
  Của những nhà hàng xóm
Rồi đêm trăng mờ
             cùng nhau bắt bướm
Bỏ vào keo mang về xếp thành hàng.

Còn đâu nữa trò chơi đá Dế
Ngoéo tay nhau
      cá độ
          Dế anh hùng
Cùng vang xa những trận chiến tưng bừng
Con bất diệt
          Sẽ làm vua
                một cõi.

Còn đâu nữa
Các thú vui tao nhã
Ngồi đánh cờ trước nền gạch đỏ ao
Đứng đá thun
 dưới sân đất mưa bùn
Càng vui hơn
là trò ngố trốn tìm.

Còn đâu nữa, khi giờ ba mươi tuổi
Chỉ
ngậm ngùi
tiếc nuối
những
niềm vui
Còn
 đâu
    nữa...
Hỡi ta!
                                        Còn đâu nữa!
                                                   (trích nhật kí Lưu niệm)


KHÁT VỌNG MỘT TÌNH YÊU
-------------------------

Tôi yêu em đến nay chừng chửa dứt
Thề một lòng chung thuỷ với tình ta
Sẽ mãi mãi không nhạt nhoà thay đổi
Chinh chiến đường đời nguồn cội sẽ về em
Phục sinh hỡi xin người ban sức mạnh
Được tình yêu trong lĩnh vực lứa đôi
Trái son đào như đẫm ước bờ môi
Tim sắp vỡ vì tình yêu phúc cuối
Của lòng tôi như quyến chặt hồn em
Hồng tất cả xin hồng đừng phai nhạt.

            (trích nhật kí Ngẫu tùy bút)




CÁCH LÀM: NGHỊ LUẬN VĂN HỌC


                                            
                                                      Cách làm như sau:
                                         

             THƠ                                                            

* Nội dung: 
                                                    
Phải chú ý những nội dung sau:   
Về tư tưởng trong thơ, tứ thơ; đề tài,
chủ đề; về hình ảnh thơ, nhân vật trữ tình trong thơ; về tình cảm tác giả gửi gắm trong thơ; về sự vật, hiện tượng, các giá trị nội dung khác (nhân đạo, con người) trong thơ…   
  * Nghệ thuật:  Phải chú ý 
- Về ngôn ngữ của bài thơ. 
- Về thể loại của bài thơ.     
- Về cách miêu tả hình ảnh thơ.        
- Về giọng, nhịp, âm hưởng trong thơ.            
- Về các biện pháp tu từ sử dụng thơ…             
                                                          
                       VĂN XUÔI:

* Nội dung: 
                                                    
Phải chú ý những nội dung sau:
Về đề tài, chủ đề; về ngoại hình, tính cách tâm trạng nhân vật; về mối quan hệ với nhân vật khác; về ngôn ngữ, cử chỉ, hành động nhân vật; về tâm trạng nhân vật, các giá trị văn học, nhân đạo trong tác phẩm
* Nghệ thuật:  Phải chú ý 
- Về ngôn ngữ vùng miền (Nam, Bắc…).
- Về cách xây dựng hình tượng nhân vật
- Về cách kể chuyện của tác giả. 
-  Về cách miêu tả tâm lí nhân vật.
- Cách xây dựng tình huống truyện...       

Lưu ý: Có thể phân tích xen kẻ nghệ thuật vào nội dung

VÍ DỤ MINH HỌA:

TÂY TIẾN - QUANG DŨNG
1. Cảm xúc bao trùm toàn bộ bài thơ là một nỗi nhớ: "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"... Qua nỗi nhớ ấy, hình ảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở và dữ dội hiện lên như một bức tranh hoành tráng:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Khổ thơ này là một bằng chứng "thi trung hữu hoạ". Thủ pháp đối lập ở đây được sử dụng triệt để và có hiệu quả. Các từ lấp láy "khúc khuỷu", "thăm thẳm" góp phần làm tượng hình lên hình ảnh Tây Bắc gập ghềnh hiểm trở. Ở câu thứ hai, từ ngữ được sử dụng rất hồn nhiên và cũng rất táo bạo. Núi cao tưởng chừng chạm mây, mây nổi thành cồn "heo hút". Người lính như đi trên mây. Để tả chiều cao thăm thẳm của núi, Quang Dũng đã hạ ba chữ "súng ngửi trời" nghe vừa ngộ nghĩnh, vừa tinh nghịch. Câu ba diễn tả hai bên dốc núi nhìn lên cao chót vót, nhìn xuống sâu thăm thẳm. Sau ba câu thơ gân guốc, táo bạo là một câu thơ toàn thanh bằng: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi".
Quy luật này cũng giống với cách sử dụng những gam màu trong hội hoạ: giữa những gam màu nóng, tác giả sử dụng một gam màu lạnh như xoa mát cả khổ thơ.
Cái vẻ hoang dại, dữ dội, chứa đầy nguy hiểm của núi rừng Tây Bắc được nhà thơ tiếp tục khai thác. Trong cái không gian mênh mông của rừng thiêng hoang vu ấy, cái chết luôn luôn rình rập con người:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Đoạn thơ được kết thúc đột ngột bằng hai câu thơ ấm áp, dịu ngọt mở ra một cảnh tượng thơ mộng thấm đẫm tình người, gắn liền với những kỉ niệm của Tây Tiến trên những chặng đường hành quân:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
2. Đoạn thơ thứ hai mở ra một thế giới khác của Tây Bắc: Một Tây Bắc tươi mát, mĩ lệ, tài hoa, duyên dáng. Những nét vẽ bạo, khoẻ, gân guốc ở đoạn thơ đầu, đến đoạn thơ này được thay bằng những nét mềm mại, tinh tế. Hình ảnh một đêm liên hoan văn nghệ của bộ đội được gợi lên với những chi tiết rất thực mà cũng rất mộng, rất ảo:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
…………………
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ...
Hơn ở đâu hết, đoạn thơ này bộc lộ nét tài hoa của Quang Dũng. Hồn thơ lãng mạn của ông bị hấp dẫn trước những vẻ đẹp mang màu sắc bí ẩn của con người và cảnh vật nơi xứ lạ: xiêm áo lộng lẫy, dáng điệu "e ấp" của cô gái Tây Bắc, tiếng khèn, điệu múa độc đáo mang đậm bản sắc địa phương. Hai tiếng "kìa em" thể hiện một cái nhìn ngỡ ngàng, kinh ngạc trìu mến.
Cũng ở đoạn thơ này, con người và cảnh vật Tây Bắc hiện lên tươi đẹp và thơ mộng. Ngòi bút tài hoa, tinh tế của nhà thơ đã vẽ lên hình ảnh con người mờ ảo trong chiều sương Châu Mộc, gợi lên cái hồn của rừng lau, cái dáng mềm mại của cô gái trên chiếc thuyền, cái đong đưa của những bông hoa trôi theo dòng nước lũ.
3. Trên nền hùng vĩ và diễm lệ của núi rừng Tây Bắc, hình ảnh người lính Tây Tiến xuất hiện mang vẻ đạp vừa bi tráng vừa thơ mộng.
Nhà thơ không che giấu những gian khổ, hi sinh của người lính Tây Tiến. Chỉ có điều, những khó khăn, gian khổ, những mất mát, hi sinh ấy được thể hiện bằng một bút pháp lãng mạn. Qua cách nhìn của nhà thơ, cái bi bỗng trở thành cái hùng, đem đến cho hình ảnh người lính một vẻ đẹp hào hùng tráng lệ. Cái sự thực tàn khốc đoàn quân Tây Tiến tóc trụi, da xanh ngắt như tàu lá vì sốt rét, qua con mắt của nhà thơ vẫn toát lên cái vẻ "dữ oai hùm". Cái vẻ hào hùng, sang trọng của người lính toát lên từ thái độ dứt áo ra đi: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh", từ tư thế: "Mắt trừng gởi mộng qua biên giới", từ những giấc mơ biết bao thơ mộng: "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm".
Tác giả đã dành những câu thơ trang trọng để nói về sự hi sinh mất mát của người lính Tây Tiến. Những người lính ngã gục bên đường, sự thật là không có đến một manh chiếu bọc thân, qua cách nhìn của nhà thơ lại được khâm liệm bằng những tấm áo bào sang trọng: "Áo bào thay chiếu anh về đất". Những nấm mồ người lính rải rác nơi rừng hoa biên giới xa xôi bỗng trở thành những nấm mồ tôn nghiêm nhờ những từ Hán Việt cổ kính, trang trọng: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ" v.v... Đoạn thơ kết thúc bằng tiến gầm dữ dội của dòng sông Mã như khúc nhạc hào hùng đưa tiễn linh hồn người chiến sĩ: "Sông Mã gầm lên khúc độc hành".
 * Anh, chị hãy phân tích đoạn thơ sau đây:                              “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
                       Mai Châu mùa em thơm nếp xôi..."
(Trích Tây Tiến - Quang Dũng, Văn học 12, tập một, nxb Giáo dục, Hà Nội - 2004, tr. 76)
a) Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:
- Quang Dũng là gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Pháp với hồn thơ hào hoa, lãng mạn thấm đượm tình đồng bào đồng chí.
- Hoàn cảnh sáng tác, cảm hứng chủ đạo của bài thơ Tây Tiến.
b) Phân tích đoạn thơ: học sinh có thể lựa chọn cách phân tích phù hợp để bày tỏ cảm nhận của riêng mình về đoạn thơ, nhưng phải nêu được các ý cơ bản sau đây:
- Nội dung bao trùm đoạn thơ: hoài niệm thiết tha về một thời Tây Tiến.
+ Nỗi nhớ về núi rừng Tây Bắc: hùng vĩ, hiểm trở (phân tích dẫn chứng), hoang dại, bí hiểm (phân tích dẫn chứng), thơ mộng (phân tích dẫn chứng)...
+ Nỗi nhớ về người lính Tây Tiến: hành trình vất vả, gian truân nhưng vẫn hóm hỉnh lạc quan, mở rộng tâm hồn để cảm nhận vẻ đẹp của Tây Bắc (phân tích dẫn chứng).
- N.thuật: ngôn ngữ giàu nhạc tính, tính hình tượng và giá trị biểu cảm (chú ý điệp từ, thanh điệu, láy...)
*Phân tích vẻ đẹp của người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.
Nội dung : Nêu được cách nhìn và cách miêu tả độc đáo của nhà thơ về vẻ đẹp của người lính cách mạng những năm đầu kháng chiến gian khổ. Khi làm bài, cần lưu ý các đối tượng phân tích là người lính trong bài thơ dưới cái nhìn nghệ thuật riêng của Quang Dũng.
Kiểu bài : Đây là kiểu bài phân tích một khía cạnh của một bài thơ hoàn chỉnh. Bài làm đòi hỏi học sinh phải biết chọn lựa từ bài thơ những chi tiết cần phân tích để phục vụ cho chủ đề của bài làm.
GỢI  Ý
Nên tập trung vào mấy ý chính sau đây:
- Người lính hiện về trong hồi ức như một biểu tượng xa vời trong thời gian và không gian (Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi... Nhớ về rừng núi... Tây Tiến người đi không hẹn ước, Đường lên thăm thẳm một chia phôi, Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy...) Nhưng vẫn là hoài niệm không dứt, một nỗi thương nhớ mênh mang (Nhớ về, nhớ chơi vơi...).
- Người lính được miêu tả rất thực trong những sinh hoạt cụ thể hàng ngày, trong những bước đi nặng nhọc trên đường hành quân, với những đói rét bệnh tật, với những nét vẽ tiều tuỵ về hình hài song vẫn rất phong phú trong đời sống tâm hồn với những khát vọng rất mãnh liệt của tuổi trẻ (dẫn thơ minh hoạ).
- Tác giả phát hiện ra vẻ đẹp trong đời sống tâm hồn của người lính :
+ Con người nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng với những cảnh sắc độc đáo rất tinh tế (Hồn lau nẻo bến bờ, dáng người trên độc mộc, dòng nước lũ, cánh hoa đong đưa).
+ Con người vẫn cháy bỏng những khát vọng chiến công vẫn ôm ấp những giấc mơ đẹp về tình yêu tuổi trẻ (Mắt trừng rởi mộng qua biên giới, Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm). Một dáng kiều thơm hay một vẻ đẹp của con người rừng núi có nhiều hoang sơ, kiều diễm đến sững sờ (kìa em xiêm áo tự bao giờ).
- Người lính hiện lên chân thực, thơ mộng, lãng mạn (đến đa tình đa cảm), đồng thời cũng rất hào hùng, rất tráng sĩ. Với nhiều từ ngữ Hán Việt vốn mang sắc thái cổ điển sang trọng (Áo bào thay chiếu anh về đất, Sông mã gầm lên khúc độc hành...) tác giả tạo được không khí thiêng liêng làm cho cái chết tiều tuỵ của người lính hình thành một hành vi lịch sử thấu động lòng sông. Âm hưởng bốn câu thơ cuối làm cho hơi thơ cứ vọng dài thăm thẳm không dứt hòa với bước đường của người chiến sĩ tình nguyện ra đi cho mùa xuân đất nước :
“Tây Tiến người đi không hẹn ước
…………………
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi
* Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến của Quang Dũng :
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
...Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Tìm hiểu đề
- Đề bài thuộc dạng phân tích tác phẩm văn học. Cụ thể là phân tích một đoạn thơ.
- Để có thể phân tích sâu sắc đoạn thơ này, cần phải có cái nhìn tổng quát về cả bài thơ Tây Tiến. Bài thơ có hai đặc điểm nổi bật, bao trùm : cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng. Cả hai đặc điểm ấy đều được thể hiện rất rõ trong đoạn thơ cần phân tích.
- Đoạn thơ này, về thực chất khắc họa hình tượng tập thể những người lính Tây Tiến. Vì thế, khi phân tích, cần phải làm sáng tỏ vẻ đẹp của hình tượng này.
Gợi ý làm bài
I. Đặt vấn đề :
- Tây Tiến là bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Quang Dũng. Bài thơ được Quang Dũng viết vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh khi ông đã xa đơn vị Tây Tiến một thời gian.
- Đoàn quân Tây Tiến được thành lập vào đầu năm 1947. Những người lính Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó có cả học sinh, sinh viên.
- Đoạn thơ cần phân tích là đoạn thứ ba của bài thơ, trong đó Quang Dũng đã khắc họa hình tượng tập thể những người lính Tây Tiến bằng bút pháp lãng mạn, thấm đẫm tinh thần bi tráng.
II. Giải quyết vấn đề :
1. Vẻ đẹp lãng mạn của người lính Tây Tiến :
Hình tượng tập thể những người lính Tây Tiến được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn với khuynh hướng tô đậm những cái phi thường, sử dụng rộng rãi thủ pháp đối lập để tác động mạnh vào cảm quan người đọc, kích thích trí tưởng tượng phong phú của người đọc.
- Trong bài thơ, Quang Dũng đã tạo được một không khí, chuẩn bị cho sự xuất hiện trực tiếp của những người lính Tây Tiến ở đoạn thơ thứ ba này. Trên cái nền hoang vu hiểm trở vừa hùng vĩ vừa dữ dội khác thường của núi rừng (ở đoạn một), và duyên dáng, mĩ lệ, thơ mộng của Tây Bắc (ở đoạn hai), đến đoạn thơ thứ ba, hình ảnh những người lính Tây Tiến trực tiếp xuất hiện với một vẻ đẹp độc đáo và kì lạ :
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
... Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
- Quang Dũng đã chọn lọc những nét tiêu biểu nhất của những người lính Tây Tiến để tạc nên bức tượng đài tập thể đặng khái quát những gương mặt chung của cả đoàn quân. Qua ngòi bút của ông, những người lính Tây Tiến hiện ra đầy oai phong và dữ dội khác thường. Thực tế gian khổ thiếu thốn đã làm cho người lính da dẻ xanh xao, sốt rét làm họ trụi cả tóc. Quang Dũng không hề che giấu những sự thực tàn khốc đó. Song, cái nhìn lãng mạn của ông đã thấy họ ốm mà không yếu, đã nhìn thấy bên trong cái hình hài tiều tụy của họ chứa đựng một sức mạnh phi thường. Và ngòi bút lãng mạn của ông đã biến họ thành những bức chân dung lẫm liệt, oai hùng. Cái vẻ xanh xao vì đói khát, vì sốt rét của những người lính, qua cái nhìn của ông, vẫn toát lên cái oai phong của những con hổ nơi rừng thiêng. Cái vẻ oai phong, lẫm liệt ấy còn được thể hiện quan ánh mắt giận dữ (mắt trừng gửi mộng) của họ ...
- Cái nhìn nhiều chiều của Quang Dũng đã giúp ông nhìn thấy xuyên qua cái vẻ oai hùng, dữ dằn bề ngoài của những người lính Tây Tiến là những tâm hồn còn rất trẻ, những trái tim rạo rực, khao khát yêu đương (Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm). Như vậy, trong bốn câu thơ trên, Quang Dũng đã tạc lên bức tượng đài tập thể những người lính Tây Tiến không chỉ bằng những đường nét khắc họa dáng vẻ bề ngoài mà con thể hiện được cả thế giới tâm hồn bên trong đầy mộng mơ của họ.
2. Chất bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến :
- Khi viết về những người lính Tây Tiến, Quang Dũng đã nói tới cái chết, sự hi sinh nhưng không gây cảm giác bi lụy, tang thương. Cảm hứng lãng mạn đã khiến ngòi bút ông nói nhiều tới cái buồn, cái chết như là những chất liệu thẩm mỉ tạo nên cái đẹp mang chất bi hùng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
               ……………………………...
               Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
- Khi miêu tả những người lính Tây Tiến, ngòi bút của Quang Dũng không hề nhấn chìm người đọc vào cái bi thương, bi lụy. Cảm hứng của ông mỗi khi chìm vào cái bi thương lại được nâng đỡ bằng đôi cánh của lí tưởng, của tinh thần lãng mạn. Chính vì vậy mà hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ rải rác nơi rừng hoang biên giới xa xôi đã bị mờ đi trước lí tưởng quên mình vì Tổ quốc của người lính Tây Tiến. Cái sự thật bi thảm những người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có đến cả mảnh chiếu che thân, qua cái nhìn của nhà thơ, lại được bọc trong những tấm ào bào sang trọng. Và rồi, cái bi thương ấy bị át hẳn đi trong tiếng gầm thét dữ dội của dòng sông Mã :
Áo …………….độc hành.
Cái chết, sự hi sinh của những người lính Tây Tiến được nhà thơ miêu tả thật trang trọng. Cái chết ấy đã tạo được sự cảm thương sâu sắc ở thiên nhiên. Và dòng sông Mã đã trân trọng đưa tiễn linh hồn người lính bằng cách tấu lên khúc nhạc trầm hùng.
- Tóm lại, hình ảnh những người lính Tây Tiến trong đoạn thơ này thấm đẫm tính chất bi tráng, chói ngời vẻ đẹp lí tưởng, mang dáng vẻ của những anh hùng kiểu chinh phu thuở xưa một đi không trở lại.
III. Kết thúc vấn đề :
- Tây Tiến là sự kết tinh những sắc thái vừa độc đáo vừa đa dạng của ngòi bút Quang Dũng. Nhà thơ đã sáng tạo được hình tượng tập thể những người lính Tây Tiến, miêu tả được vẻ đẹp tinh thần của những con người tiêu biểu cho một thời kì lịch sử một đi không trở lại.
- Thơ ca kháng chiến chống Pháp đã miêu tả thành công hình ảnh người lính. Và Quang Dũng, qua bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của mình, đã góp vào viện bảo tàng hình ảnh những người lính đó bức chân dung người lính Tây Tiến rất độc đáo của mình.

GƯƠNG HỌC TỐT KÌ THI ĐH 2011

Nghe em vào đại học
TT - Hôm qua, các phóng viên giáo dục nói như reo: Uyên “chuối chiên” đậu đại học rồi. Không những đậu mà còn đậu cao - á khoa khối D với 25 điểm.
Nghe tin mà vui như nghe kết quả của chính con mình đậu đại học.
Cách đây đúng nửa tháng, Ngô Hoàng Phương Uyên xuất hiện trên Tuổi Trẻ trong bài viết “Uyên “chuối chiên” đi thi đại học“. Hình ảnh của một cô gái có gương mặt sáng như trăng rằm ngồi bán chuối chiên ở góc chợ Hàng Còng (phường 4, Mỹ Tho, Tiền Giang), dù hai ngày sau em đi thi đại học, đã làm mọi người cảm động. Và có lẽ ai cũng thầm cầu mong cho Uyên “chuối chiên” thỏa ước nguyện đậu vào đại học.
Điều mà ai cũng mong ấy nay đã thành sự thật. Một sự thật thật đẹp, làm Bút Bi tôi nhớ lại Bình Gấm - cô bé bán khoai đậu ba trường đại học năm nào, nay là một bác sĩ đang công tác ở một bệnh viện lớn tại TP.HCM. Chắc chắn vài năm sau thôi, xã hội cũng sẽ có thêm một Uyên “chuối chiên” đĩnh đạc bước vào đời như chị Bình Gấm.
Xin cảm ơn những câu chuyện thần tiên từ những cô gái như Bình Gấm, Uyên “chuối chiên”...Cảm ơn chuyện gì? Cảm ơn bởi xã hội này vẫn có nhiều câu chuyện đẹp làm lay động lòng người, chứ không chỉ có những câu chuyện đen thui về tham nhũng, về cướp, hiếp, giết...
BÚT BI
Thứ Sáu, 22/07/2011, 06:38 (GMT+7)
Uyên “chuối chiên” đậu á khoa
TT - Ngô Hoàng Phương Uyên, nhân vật trong bài “Uyên “chuối chiên” đi thi đại học” (Tuổi Trẻ ngày 8-7), đã đậu á khoa khối D trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011 vào Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM với 25 điểm. Trong đó, điểm thi các môn tiếng Anh, toán, ngữ văn của bạn lần lượt là 9,5, 8,5 và 7.
Chiều 21-7, chúng tôi trở lại nhà Uyên “chuối chiên” trong một con hẻm trên đường Lý Thường Kiệt (P.4, TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Lúc này, bà Văn Thị Hoàng (41 tuổi), mẹ Uyên, vẫn bán bánh chuối chiên ở góc chợ Hàng Còng gần nhà. Đang phụ cha lột chuối, mài bột mì để làm bánh chuối chiên, bánh nếp nhân chuối, bánh cay để chuẩn bị cho phiên chợ hôm sau, Uyên nghỉ tay tâm sự: “Nghe người bạn gọi điện báo tin vui cho Uyên, cả đêm 20-7 nhà Uyên không ngủ được vì vui mừng”.

Nhiều nơi “tiếp sức” cho Uyên
Sau khi Tuổi Trẻ giới thiệu Uyên “chuối chiên” trước kỳ thi đại học, nhiều bạn đọc đã đến tận nhà thăm hỏi, động viên và cho biết sẽ hỗ trợ để cô bé giàu nghị lực này học đại học nếu thi đậu. Uyên cho hay có hai bác lớn tuổi đi xe gắn máy từ TP.HCM xuống Tiền Giang chỉ để thăm hỏi, dặn dò và động viên Uyên học thật tốt, có khó khăn gì cứ báo với hai bác sẽ giúp. Hay như một cụ bà ở TP Mỹ Tho cũng tìm đến nhà Uyên để hỏi han, chuyện trò cùng gia đình bạn.

Thi xong quay về phụ gia đình
Uyên cho biết sau khi thi xong (do điều kiện không cho phép nên Uyên chỉ đăng ký thi vào một trường đại học), Uyên đoán số điểm môn tiếng Anh và toán của mình đúng như số điểm mà mình nhận được. Cha mẹ không có điều kiện đưa đi thi nên mọi việc giao hết cho cô Năm của Uyên đài thọ mọi chi phí và đưa bạn đi thi. Ngay sau khi tham dự kỳ thi đại học, Uyên trở về với công việc thường nhật của mình là làm bánh, bán bánh phụ mẹ và tự học thêm tiếng Anh để bổ sung kiến thức cho mình.
Trong căn nhà với những tờ giấy khen thành tích học tập của Uyên được treo trên tường, có lẽ vật đáng giá nhất là chiếc tivi Samsung 14 inch đời cũ, mọi việc vẫn diễn ra như mọi ngày nhưng không khí gia đình có phần vui tươi, phấn khởi hơn. Bữa cơm mừng con đậu đại học có cá kho và rau cải luộc.
“Tui khao thêm con ly chè đá đậu nữa. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ Uyên không đòi hỏi gì. Nhận giải thưởng được bao nhiêu tiền, Uyên đưa hết cho mẹ mua sách vở” - bà Hoàng cho hay.
Đã chạm một tay vào ước mơ
Nhận tin đậu á khoa, Uyên không chia sẻ nhiều lắm về niềm vui của mình mà chỉ “bật mí” những dự định sắp tới của bạn: “Lo nhất với Uyên bây giờ vẫn là vấn đề kinh phí để theo học đại học. Uyên đang tính cùng hai người bạn thuê một phòng trọ gần trường đại học để đi học cho tiện. Sau đó, Uyên sẽ tìm một công việc làm thêm ở thành phố để phụ cha mẹ trang trải việc học cho mình”.
Và cũng có lẽ với dự tính ấy, chiếc xe đạp cũ đã đồng hành cùng Uyên đến trường trong những năm học phổ thông cũng sẽ theo Uyên lên TP.HCM trong cuộc mưu sinh để thực hiện ước mơ ngồi trên giảng đường của mình.
Trong khi đó, với... nỗi lo con thi đậu đại học, ông Ngô Văn Tài (51 tuổi), cha Uyên, cho biết gia đình ông vừa được cấp sổ hộ nghèo đầu năm 2011 nên “vay tiền cho con đi học đại học chắc cũng được ưu tiên hơn”.
Trở lại câu chuyện của Uyên, Uyên hay đọc sách, nhân vật Uyên thích nhất là Scarlett O’Hara trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell) bởi sức sống mãnh liệt của nhân vật này. Tâm sự với chúng tôi, Uyên bảo đã chạm một tay vào ước mơ của mình. Ước mơ ấy cũng giản dị như chính con người, cuộc sống của bạn là có một việc làm ổn định, nuôi sống bản thân và đỡ đần cha mẹ. Sau đó sẽ giúp những học trò nghèo như mình có điều kiện tốt hơn để đến trường...
“Nhiều người hỏi Uyên hoàn cảnh gia đình thua thiệt so với bạn bè, có mặc cảm không? Với cuộc sống hiện tại, Uyên chỉ buồn khi thấy cha mẹ làm việc quá vất vả và lấy đó làm động lực vươn lên. Uyên chỉ nghĩ sau này mình làm được gì hay không mà thôi” - cô tân sinh viên bộc bạch.
HÀ BÌNH

Nhật, 24/07/2011, 14:49 (GMT+7)
Cà phê chủ nhật
Vị ngọt chuối chiên
TT - 21g30 tối thứ năm. Hai phóng viên Hà Bình, Thuận Thắng được phân công đi Tiền Giang viết về Ngô Hoàng Phương Uyên đậu á khoa đại học Ngoại thương (cơ sở TP.HCM) về đến tòa soạn.
Cả hai vừa bước vào vừa tung tẩy một chiếc túi xốp, vừa nói: “Có quà của Phương Uyên gửi mọi người đây”. Quà ở đây là sáu miếng chuối chiên. Tất cả đều đã nguội. Nhưng cả ca trực tòa soạn hôm đó đều xẻ mỗi người một miếng và tất cả đều tấm tắc khen ngon.
Đương nhiên, sáu miếng chuối nguội lạnh vì đường xa ấy làm sao ngon thật sự được, nếu so với hàng chuối chiên ở ngã tư Phú Nhuận, mà từ tòa soạn Tuổi Trẻ chạy ra mua về không quá hai phút.
Nhưng nó ngon ở chỗ được làm bởi cô gái đẹp người, đẹp nết và học giỏi. Còn nhớ hôm 8-7, ngay sau khi báo phát hành có bài viết “Uyên “chuối chiên” đi thi đại học”, hàng chục email đã gửi về để chia sẻ, động viên Phương Uyên. Không ai không ấn tượng với tấm hình chụp cô gái mặt sáng như trăng rằm ngồi chiên chuối bán ở góc chợ Hàng Còng tại Mỹ Tho. Và cũng kể từ đó, bạn đọc cũng như các phóng viên Tuổi Trẻ đều cùng quan tâm đến kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học, để dõi theo câu chuyện của Uyên “chuối chiên”.
Cô gái nhà nghèo vừa đẹp người đẹp nết lại học giỏi này có cái tên rất đẹp: Ngô Hoàng Phương Uyên. Vậy mà từ bữa tới giờ, ai nhắc đến cũng gắn cái biệt hiệu “chuối chiên” sau tên Uyên! Nghĩ đến đây, chợt nhớ những gương mặt đáng nể được báo chí nhắc đến trong mùa tuyển sinh đại học đều có những biệt danh.
Đó là bên cạnh Uyên “chuối chiên” còn có “thủ khoa giăng câu” Võ Thành Luân, có Võ Thị Kiều Oanh “bụng đói đi thi”, có thủ khoa Quyện “ròm”, Hải “phụ hồ”, Lâm “cá cảnh” (Nguyễn Kim Lâm ở Hà Nội phụ mẹ đẩy xe bán cá cảnh)... Tất cả mọi người theo dõi với nhiều lo âu về các chàng trai, cô gái nghèo khổ liệu có vượt nổi vũ môn, bởi người thành phố nuôi con nâng niu, lo lắng đầy đủ từ miếng ăn cho tới thầy cô học thêm mà còn rớt oành oạch kia mà.
Vì vậy, khi nghe Uyên “chuối chiên” đậu đại học và lại đậu cao, ai cũng mừng. Mọi người cứ vào Tuổi Trẻ Online đọc ý kiến phản hồi về bài viết “Uyên “chuối chiên” đậu á khoa” ắt sẽ đo được cái tình của bạn đọc dành cho Phương Uyên. Vì vậy, chuyện chúng tôi nói rằng những miếng chuối chiên nguội ngắt nhưng ngon chưa từng thấy là chuyện thật.
Lại thêm một chuyện thú vị nữa: vào Google, thử gõ ba từ “Uyên “chuối chiên””, ngay tức thì có hơn 21.000 kết quả. Các báo bạn, các trang web của nhiều địa phương... đã lấy lại gần như tức thì các bài viết về Uyên “chuối chiên”. Mọi người xôn xao bàn tán, khen ngợi và có cả tâm sự rằng lấy chuyện này cho các quý tử ở nhà đọc! Cũng là chuyện trên mạng, mới cách đây vài tuần, còn nóng quanh chuyện sao lộ hàng, chuyện khai thác tin tức cướp, hiếp, giết thái quá; thì mấy ngày gần đây thật tuyệt khi phản hồi phần lớn dành cho các gương mặt thí sinh con nhà nghèo đậu cao.
Một đồng nghiệp khi tìm về Đô Lương (Nghệ An) để viết bài về “thủ khoa phụ hồ” Nguyễn Duy Hải, tình cờ gặp lại thủ khoa ĐH Xây dựng Hà Nội cách đây bảy năm là Hoàng Tuấn Anh. Tuấn Anh cùng quê với “thủ khoa phụ hồ” và về nhà làm thủ tục chuẩn bị sang Nga học lên tiến sĩ. Tôi nhắc đến chi tiết này với sự mong ước: tương lai của những Uyên “chuối chiên”, Hải “phụ hồ”, Quyện “ròm”... sẽ như Tuấn Anh, cũng một chàng trai con nhà rất nghèo, đang tự tin sải bước hướng đến một tương lai xán lạn.
Câu chuyện của những sĩ tử con nhà nghèo học giỏi ngọt lịm như miếng chuối chiên của Ngô Hoàng Phương Uyên vậy.
HUY THỌ


CÁC BÀI VĂN LẠC ĐỀ

Phát hoảng" với những bài văn tốt nghiệp "kinh dị"
Cập nhật 04:13:28 - 27/06/2011
Nhiều giáo viên chấm thi phát hoảng khi đọc những bài văn của các sĩ tử trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) 2010 - 2011. Thí sinh “sáng tác” ra những câu văn mà giáo viên chấm thi đọc xong phải nổi da gà.
Còn những cách miêu tả mà các tác giả của tác phẩm được chọn để làm đề thi tốt nghiệp có lẽ không bao giờ ngờ tới được.
Cười ra nước mắt
Theo cô N.H giáo viên môn Văn, trường THPT Minh Khai (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: "Tôi cũng đã đi chấm thi tốt nghiệp rất nhiều năm. Mỗi kỳ thi để lại cho tôi ấn tượng về những bài văn rất lạ. Năm nay cũng vậy, tôi trực tiếp chấm nhiều bài văn khi đọc lên mà không nhịn được cười khiến cho các đồng nghiệp của tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi chấm điểm môn văn, những giáo viên chấm thi như chúng tôi lại được những trận cười ra nước mắt". Giáo viên H. trích dẫn: “Trong câu 3b của đề thi tốt nghiệp THPT năm nay đề bài là "Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân". Tôi đọc nhiều bài thi cùng đề bài về phân tích nhân vật Tràng, tuy nhiên có trường hợp, học sinh phân tích ngoại hình của nhân vật vợ nhặt của Tràng đến gần 2 trang giấy mà "tụ hội" tất cả những gì xấu xa nhất.Tôi nhớ câu: "Quần áo của cô gái này rách tả tơi như tổ đỉa, thân hình gầy còm, ốm yếu đến mức chỉ có da bọc xương. Khuôn mặt thị gầy xọp như hình lưỡi cày. Nhìn cô, chúng ta chỉ có thể thấy được hai con mắt. Dáng người, "vẻ đẹp" của thị (nhân vật người vợ - pv) cũng tương đương "vẻ đẹp" của vợ Chí Phèo (nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao - PV)". Sau đó học sinh thản nhiên kết luận: "Có lẽ thị là hình tượng của một con "ma đói" năm 1945". Đây là một câu văn tôi cảm thấy rất "ấn tượng", đọc đi đọc lại vẫn cảm thấy buồn cười”.Giáo viên H. cũng cho biết thêm, năm nay câu 3a thuộc phần II (phần riêng - phần tự chọn) hệ số điểm là 5 điểm, đề bài yêu cầu thí sinh phân tích đoạn thơ từ câu: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi" đến câu: "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Đây là đoạn trích trong bài thơ Tây Tiến của tác giả Quang Dũng. Khi làm bài, các thí sinh thi nhau tán về vẻ đẹp của đoàn quân Tây Tiến. Có thí sinh bình câu thơ: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm" như sau: " Có lẽ giữa trời hè nóng nực, cộng với khói lửa chiến tranh các chiến binh Tây Tiến đã quyết định "gọt" trọc để thoải mái thoáng mát hơn và tiện cho việc vệ sinh"(!?).Còn cô N.T.K, giáo viên văn của một trường cấp III Minh Khai (Quốc Oai) cho hay: "Tôi nhớ như in trong bài thi của một thí sinh bình về câu thơ: "Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Thí sinh này nhầm tưởng địa danh Mai Châu thành tên của một cô gái nào đó sinh sống ở địa bàn mà các chiến binh Tây Tiến đóng quân. Thí sinh này bình: "Có lẽ dù chiến tranh có đi qua, các chiến binh Tây Tiến trở lại làng quê cũ nhưng hình ảnh cô em gái Mai Châu ngày đêm tảo tần nấu món xôi nếp cho họ ăn sẽ không bao giờ phai trong lòng các anh bộ đội". Khi đọc đến đây, tôi thật sự cảm thấy choáng, không dám tin vào mắt mình nữa".
Vì đâu đến nỗi
Theo đánh giá của các giáo viên chấm thi tốt nghiệp THPT thì việc có nhiều bài thi có những câu văn dở khóc dở cười có rất nhiều nguyên nhân. Theo cô T. D, giáo viên dạy văn trường THPT Vân Tảo (Thường Tín, Hà Nội) thì việc các thí sinh sáng tác những câu văn... lạ, thường là những thí sinh không có kiến thức cơ bản về môn văn. Có thể trong quá trình làm bài thi, những thí sinh này bất chợt nhớ đến một nhân vật nào đó gần giống như nhân vật trong đề bài thì lập tức chép vào ngay. Giáo viên N.H (trường THPT Minh Khai, Quốc Oai) nhận xét: "Nhiều sĩ tử mặc dù đã cạn... văn nhưng vì "câu giấy" nên bịa ra những câu chuyện. Vì các thí sinh này có quan niệm văn càng dài thì điểm càng cao (!?). Tuy nhiên, tất cả cấu trúc điểm đã có sẵn barem chấm thi. Đúng ý, chúng tôi mới có thể cho điểm chứ hoàn toàn không có chuyện chấm điểm theo số lượng trang giấy như nhiều thí sinh lầm tưởng”, cô H. khẳng định.Theo lý giải của các giáo viên chấm thi, một nguyên nhân khác dẫn đến việc xuất hiện nhiều câu văn kinh dị trong đợt thi tốt nghiệp THPT lần này là do chuyện học lệch của các thí sinh. Có nghĩa là, nhiều học sinh có ý định thi đại học khối A, B (các môn toán, lý, hoá, sinh) thì chỉ muốn môn văn thoát khỏi điểm liệt còn lấy các môn khác bù điểm vào. Chính vì thế, việc cầm cuốn sách văn để ôn cũng chỉ là bất đắc dĩ, học kiểu chống đối, học vẹt được mấy câu rồi vào phòng thi bịa theo tâm lý “nhỡ đâu lại trúng”. Thế mới có chuyện, anh Tràng vạ vật trong nạn đói năm 1945, thời kỳ chống Pháp lại được “bê” đi chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên vào những năm 70 (?!). Đúng là “miễn bình luận”.
Nhầm lẫn khó tin nhưng giáo viên không thể trừ điểm
Cô giáo D., trường THPT Vân Tảo, Thường Tín (Hà Nội) cho biết, có bài thi "râu ông nọ cắm cằm bà kia", nhầm nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân sang nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Bỗng nhiên nhân vật "anh cu Tràng" lại được tham gia kháng chiến chống Mỹ ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, đối với những bài thi như thế này, khi chấm, chúng tôi không được phép trừ điểm vì trong đáp án của Bộ Giáo dục và đào tạo không có quy chế về việc trừ điểm đối với những bài thi viết nhầm hoặc sai.
Thực hiện: / Nguồn: Nguoiduatin
* Cô Nguyễn Kim Anh
(giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):
Môn văn: lấy điểm ở những câu dễ
Theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, đề thi văn thường có ba câu. Câu 1 yêu cầu tái hiện kiến thức. Trong nhiều năm qua, đây đều là câu kiểm tra khả năng ghi nhớ về lai lịch tác giả, hoàn cảnh sáng tác. Học sinh chỉ cần nhớ chính xác và viết ngắn gọn, đủ ý. Có năm, câu này được đổi mới cách hỏi hay hơn, nhưng những học sinh chỉ biết ghi nhớ máy móc, học vẹt đã bị lúng túng. Vì vậy các em cần bình tĩnh, đọc kỹ để hiểu yêu cầu của đề thi.
Câu 2 thuộc thể loại nghị luận xã hội. Cái dễ của câu này là học sinh không cần học thuộc lòng kiến thức trong sách giáo khoa, trong bài học ở lớp cũng có thể làm được, vì đây là câu hỏi mở. Tuy nhiên, học sinh phải nắm vững kỹ năng viết văn nghị luận xã hội. Thường đề thi sẽ đưa ra một nhận định, yêu cầu học sinh phải bình luận hoặc lý giải nhận định đó bằng sự hiểu biết của mình cùng những dẫn chứng thực tế sinh động mà các em biết.
Hai câu trên có thể coi là các câu để “gỡ điểm” của học sinh. Phần khó nhất sẽ tập trung ở câu hỏi cảm thụ tác phẩm văn học. Trong chương trình có 15 tác phẩm văn học mà học sinh cần ghi nhớ, bao gồm chín tác phẩm văn xuôi, sáu tác phẩm thơ. Thường đề thi yêu cầu chọn một trong hai phần. Trong đó sẽ có một câu hỏi về tác phẩm thơ, một câu hỏi về tác phẩm văn xuôi. Nếu yêu thích và “thuận tay” ở thể loại nào, các em nên xác định trước.
Khi làm bài, các em cần lưu ý việc phân bổ thời gian hợp lý vì viết văn dễ bị sa đà. Nếu viết quá lan man, mất thời gian ở một câu hỏi, các em sẽ không còn thời gian làm câu khác. Nếu chật vật quá với một câu, các em sẽ bị mất hứng để làm những câu khác. Kinh nghiệm cho thấy các em nên làm trước những câu mình nắm chắc và có hứng thú.
·        Thầy Nguyễn Xuân Quý
(giáo viên vật lý Trường THPT Việt Đức, Hà Nội):
Một bài văn lạc đề đáng giá
Tại kỳ thi học sinh giỏi các lớp không chuyên của Hà Nội, tổ chức giữa tháng 3, có một bài văn "lạ" của một học sinh lớp 11. Em đã thẳng thắn bày tỏ chính kiến rằng mình không thích tác phẩm đó. Đồng thời nêu lên nhiều nhận xét rất thẳng thắn về cách dạy và học văn trong nhà trường hiện nay.
"... Đề bài thi HS giỏi năm nay là giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", nhưng thực sự em không hề thích tác phẩm này, như vậy em có thể viết hay được không? Em có thể chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em, có tới 9 người cũng không thích tác phẩm này. Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế, khi mà thực sự là bọn em đang sống trong thời bình. Bọn em không quay lưng với lịch sử, nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc hơn là phải học những bài tế khô khan, khó hiểu như thế này...
Em không thích tác phẩm này vì nó quá cứng nhắc, khó hiểu. Em đọc xong mà không hề có một chút xúc động hay xót thương, như vậy là lỗi tại em hay tại nhà văn không truyền tải được đến người đọc?... Chúng em và các cô - tức là những người ra đề - là hai thế hệ rất khác nhau; các cô không hiểu chúng em thì trái lại, chúng em cũng không hiểu những tác phẩm viết về cái thời các cô cũng chỉ bé như bọn em bây giờ...Em nghĩ, đứng trước một tác phẩm văn học, bao giờ cũng có những ý kiến trái ngược khen - chê, hay - dở, nhưng dường như HS bọn em chỉ có quyền thích



, chỉ có quyền khen hay, mà không có quyền nói lên chính kiến của mình, và việc phê bình văn học, hình như chỉ là việc của các nhà phê bình. Phải chăng vì tư tưởng bảo thủ này mà suốt 63 năm qua, văn thơ của chúng ta chưa được "mới"? Nhìn ra, chỉ ra cái hay của một tác phẩm văn học đã khó, nhưng chỉ ra cái hạn chế, thiếu sót của tác phẩm ấy còn khó hơn nữa, vậy mà chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một bài thi cả, tất cả chỉ vì áp lực điểm số.Em biết bài viết này của em là hoàn toàn lạc đề, em không chỉ ra được cái đẹp, cái hay của tác phẩm bởi em không thấy nó hay, không thấy nó đẹp. Em cũng biết bài văn này cũng không được điểm nào, nhưng em chỉ muốn nêu lên chính kiến của mình trước tác phẩm, cũng như những bức xúc của một học sinh, khi phải học một chương trình không phù hợp. Em không muốn phải viết những lời khen sáo rỗng về một tác phẩm mình không thích. Và em hy vọng các thày cô sẽ linh hoạt hơn trong việc ra đề để bọn em tự do bày tỏ chính kiến, tự do yêu ghét một tác phẩm nào đó".
Bài văn đã được nhiều học sinh và thày cô giáo chuyền tay nhau đọc, bình luận. Rất nhiều học sinh tán đồng với ý kiến này. Còn các thày cô giáo thì dè dặt hơn. Có người bảo rằng phải cho 20 điểm mới xứng đáng, có người khẳng định bài văn chỉ đáng điểm 0. Còn thực tế, người chấm đã cho bài văn này 3/15 điểm với lý do: Viết lạc đề.
Một phụ huynh cho biết tuần trước, con trai ông - đang học lớp 5 tiểu học - có bài tập làm văn về nhà "Tả bà em". Cháu viết một bài dài hai trang giấy, nào là "bà em rất vui tính, rất khoẻ mạnh, rất yêu lao động... Người bà cao, dáng bà bước đi khoẻ mạnh, nước da bà hồng hào... ". Đọc bài văn, vị phụ huynh ngạc nhiên và bảo con: "Đúng là bà con ngày xưa khỏe mạnh, vui tính, hồng hào thật... Nhưng bây giờ đâu có như thế nữa. Bà bị ốm, nằm viện đã mấy tháng nay, người gầy lắm, chẳng làm việc gì được... Tuần nào con cũng vào thăm bà mấy lần, con thương bà, sao con không thử tả bà như hàng ngày con vẫn gặp. Bà đau như thế nào, bàn tay bà gầy ra sao...". Nhưng cháu trả lời không thể làm như thế được, vì đã có... mẫu rồi.
Rồi cháu giở cho xem quyển sách "Những bài văn mẫu", bài nào bài nấy giống hệt nhau, cứ tả người là phải tả từ xa tới gần, từ trên xuống dưới, rồi tính tình, công việc, cuối cùng là cảm nghĩ. Cháu bảo cả lớp ai cũng chép từ quyển sách này. Chỉ có chép thì mới được điểm cao. Vị phụ huynh thử cố thuyết phục cháu đừng làm vậy, nhưng cháu không dám nghe theo vì sợ bị điểm xấu...
Có câu chuyện về một đề văn tả "Ngôi trường của em". Học sinh nào cũng tả "trường em ngói đỏ, vôi hồng..." (mặc dù thời đó, đất nước ta có chiến tranh, còn nghèo, các ngôi trường đa số là nhà tranh, vách đất chứ không khang trang "ngói đỏ, vôi hồng..."). Và với lối tả đúng mẫu như vậy, học sinh đều nhận điểm 9, 10. Duy nhất có một học sinh "không biết sợ" lại tả đúng thực tế rằng "trường em rất nghèo, cửa kính vỡ hết, nhưng em vẫn rất yêu quý trường em...". Nhiều năm sau, khi gặp lại trò cũ, người thày năm xưa mới ngậm ngùi ân hận lẽ ra không nên cho em học trò đó điểm kém vì một bài văn đầy tình cảm chân thật xúc động.